LopTotthang10A.jpg

Thực hiện ESMP luôn đặt ra những thách thức cho các bên liên quan như Ban Quản lý dự án (PMU), nhà thầu, tư vấn giám sát thi công (CSC) và tư vấn giám sát môi trường và xã hội độc lập (IEMC). Việc có một ESMP tốt trong quá trình chuẩn bị dự án không mang lại sự đảm bảo rằng nó sẽ được thực hiện một cách hiệu quả trong quá trình xây dựng. Do đó, khóa học cung cấp các kiến thức và kỹ năng cần thiết cho việc thực hiện hiệu quả ESMP sau khi dự án được phê duyệt, đồng thời giới thiệu những thực tiễn tốt trong quản lý quá trình thực hiện ESMP. Học viên được giới thiệu những khía cạnh đảm bảo thực hiện hiệu quả ESMP trong quá trình xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng, các công cụ và phương pháp nhằm cải thiện quản lý các hoạt động xây dựng nhằm đảm bảo sự tuân thủ các yêu cầu về môi trường và xã hội.

Đội ngũ giảng viên/báo cáo viên của khóa học là các chuyên gia giàu kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế uy tín, có trình độ chuyên môn, kiến thức và kỹ năng phong phú, phù hợp với nội dung chương trình bồi dưỡng, bao gồm:

- Ông Nguyễn Văn Sơn - Điều phối viên quốc gia về an toàn môi trường, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam;

- PGS. TS. Lê Trình - Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường và Phát triển.

Đối tượng học viên tham gia khóa học rất phong phú, đa dạng, bao gồm công chức, viên chức của các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố; cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ chuyên môn của Ban Quản lý các dự án đầu tư; giảng viên các trường Đại học trọng điểm quốc gia, nghiên cứu viên các Viện nghiên cứu; chuyên gia độc lập và cán bộ kỹ thuật của các công ty tư vấn trong nước và quốc tế.

Phát biểu khai giảng Khóa Đào tạo, TS. Nguyễn Bình Minh - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, bồi dưỡng, Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường đã thay mặt nhà trường trân trọng cảm ơn và mong muốn Ngân hàng Thế giới luôn quan tâm, đồng hành, đầu tư nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với Trường trong các hoạt động biên soạn chương trình, tài liệu, tổ chức các khóa đào tạo giảng viên nguồn, các buổi tập huấn, giới thiệu về kinh nghiệm và

thực hành quốc tế tốt, cử chuyên gia đóng góp ý kiến cho các nội dung chuyên môn của tài liệu tham khảo kiến thức quản lý tài nguyên và môi trường dành cho Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, tài liệu giới thiệu chung về Trường và các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, Cổng Thông tin điện tử của Trường...

Khóa Đào tạo được thực hiện theo phương pháp học tập có sự tham gia (PLA), định hướng ứng dụng và tương tác, nhấn mạnh vào thảo luận nhóm và phân tích các tình huống. Các giảng viên/báo cáo viên sẽ cung cấp kiến thức, kỹ năng và thực tiễn quốc tế tốt cũng như phát triển các phương pháp giải quyết vấn đề theo hướng điều phối lớp học. Học viên được khuyến khích nêu ra ý tưởng, vấn đề của họ và chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến các chủ đề của khóa học, sau đó thảo luận để phát triển các giải pháp cũng như rút ra bài học kinh nghiệm. Chương trình bao gồm 02 ngày học tập trung tại hội trường với 09 bài giảng, 06 phiên làm việc/thảo luận nhóm và 01 ngày thực địa tại Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên và huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc./.