BaochiCM.jpg

Tạp chí Khoa học Chính trị quân sự nhận Giấy khen Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới”, lần thứ 3 (năm 2023-2024)

Lịch sử Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6

Trong lịch sử báo chí Việt Nam, từ những năm 60 thế kỷ XIX đã có “Gia Định báo” và một số báo khác lần lượt ra đời tại Sài Gòn, Hà Nội và một vài địa phương khác. Đến ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Báo “Thanh niên” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, ra mắt số đầu tiên thì dòng báo chí cách mạng Việt Nam mới bắt đầu hình thành.

Báo Thanh niên số 1 ra ngày 21/6/1925, tại số nhà 13, đường Văn Minh, Quảng Châu, Trung Quốc, đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Ngôi nhà số 13 đường Văn Minh cũng chính là trụ sở Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại đây, báo được chuyển về nước bằng nhiều con đường bí mật và được phổ biến rộng rãi trong nhân dân, tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam.

Từ khi Báo “Thanh niên” ra đời, báo chí Việt Nam đã giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Báo “Thanh niên” đã mở đầu cuộc cách mạng tư tưởng, đưa nền tảng tư tưởng truyền thống của dân tộc lên một tầm cao mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đào tạo lớp làm báo vô sản đầu tiên của Việt Nam.

Do ý nghĩa đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Quyết định số 52 ngày 05/02/1985, lấy ngày 21/6 hằng năm làm Ngày báo chí Việt Nam nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí. Ngày 21/6/2000, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi Ngày báo chí Việt Nam là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, hàng loạt các báo, tạp chí lần lượt ra đời phục vụ tích cực cho xây dựng Đảng, tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối cách mạng của Đảng, kiên quyết chống đế quốc, phong kiến, chuẩn bị điều kiện để đón thời cơ đưa cách mạng tiến lên một cao trào mới. Có nhiều báo, tạp chí đã ra đời ngay trong các nhà tù của đế quốc như: Lao tù tạp chí, Đuốc đưa đường, Đường cách mạng, Con đường chính, Hoả lò Hà Nội, Bôn-sê-vích, Nhà tù Buôn Ma Thuột, Người tù đỏ, Qua tiếng sóng hận, Hòn Cau, Ý kiến chung ở Côn Lôn, Nẻo nhà pha ở nhà tù Quảng Nam,...

Báo chí đã kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, phục vụ tích cực cho việc xây dựng lực lượng vũ trang tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945. Dưới chế độ dân chủ nhân dân, báo chí cách mạng đã xuất bản công khai với số lượng lớn. Đặc biệt, báo chí trong nước đã đến với một số Đảng anh em và bạn bè trên thế giới, nhờ đó mà nhân dân thế giới ngày càng hiểu rõ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta, đồng tình và ủng hộ sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam. Ngày 2/6/1950, Hội Nhà báo Việt Nam được thành lập đã đoàn kết rộng rãi các nhà báo trong nước. Tháng 7/1950, Hội Nhà báo Việt Nam gia nhập Tổ chức Quốc tế các nhà báo OIJ.

Trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Báo chí cách mạng Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Những tờ báo từ kháng chiến chống Pháp được phát triển để phục vụ nhiệm vụ mới. Nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học, tuyên truyền, lý luận, tổ chức, kỹ thuật và các tỉnh đều xuất bản báo. Một số tờ báo tiếng nước ngoài đã được xuất bản để giới thiệu Việt Nam với bạn bè quốc tế, góp phần đấu tranh trên mặt trận ngoại giao.

Báo chí cách mạng Việt Nam đã đồng hành cùng dân tộc, góp phần làm nên những thành tựu vĩ đại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Suốt chiều dài hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, những người làm báo đã vượt lên mọi khó khăn, không quản hy sinh, có mặt trên tất cả các mặt trận để kịp thời phản ánh mọi diễn biến của cuộc chiến đấu. Hàng nghìn lượt cán bộ, phóng viên báo chí đã sát cánh cùng bộ đội, dân công chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên các mặt trận. Hơn 400 nhà báo - liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng nước nhà.

Ngày nay, báo chí đã đi sâu vào thực tiễn đời sống, phát hiện, giới thiệu, cổ vũ các mô hình kinh tế mới, nhân tố mới, người tốt, việc tốt. Báo chí đã thể hiện rõ quan điểm bảo vệ và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc, tuyên truyền cổ vũ toàn dân phát huy có chọn lọc nền văn hóa tiên tiến của các nước trên thế giới, góp phần nâng cao dân trí, ngăn chặn sản phẩm văn hóa xấu len lỏi vào Việt Nam. Báo chí đã khơi dậy và biến nhiều hoạt động xã hội từ thiện trở thành phong trào của toàn xã hội.

Báo chí nước nhà đã phát triển khá nhanh về số lượng và chất lượng, hình thành hệ thống thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình rộng khắp cả nước. Nội dung thông tin của báo chí ngày càng phong phú, hiệu quả, hình thức đẹp, sinh động và hấp dẫn.

Báo chí cách mạng Việt Nam là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Báo chí tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản ánh nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Báo chí cũng là một vũ khí sắc bén chống lại các thế lực thù địch của cách mạng, đấu tranh chống tiêu cực, bảo vệ lợi ích của nhân dân. Trong 99 năm qua, kể từ số báo Thanh niên đầu tiên (21/6/1925), Báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng phát triển phong phú, đa dạng; đang hiện đại hóa kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao hóa trở nên hoàn thiện hơn và dần toàn diện để đồng bộ “Báo chí đa phương tiện”.

Hoạt động của báo chí trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước, trong quá trình hội nhập quốc tế và cơ chế thị trường, trong thời đại bùng nổ thông tin đang phát triển không ngừng. Đứng trước những yêu cầu mới, Báo chí cách mạng Việt Nam mãi mãi kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện tốt chức năng báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân.

Công tác thông tin tuyên truyền ở Trường Đại học Chính trị

Để đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới, ngày 14/01/1976, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 18/QĐ-BQP thành lập Trường Sĩ quan Chính trị, có chức năng nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị cấp phân đội và nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn quân sự cho toàn quân. Nhận thức đúng vị trí, vai trò của một nhà trường Quân đội, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Đại học Chính trị đã quan tâm đẩy mạnh hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học và thông tin tuyên truyền. Một trong những yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với hoạt động nghiên cứu khoa học của Nhà trường là cần phải có một tạp chí khoa học để trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, giữa cán bộ, giảng viên, học viên trong và ngoài Nhà trường. Để đáp ứng yêu cầu đó, “Thông tin Khoa học Chính trị quân sự” ra đời. Từ một tập san lưu hành nội bộ, đến nay, Tạp chí Khoa học Chính trị quân sự với 07 chuyên mục, xuất bản được 76 số, phát hành định kỳ 2 tháng một lần, tạp chí được cấp phát đến đầu mối đại đội và tương đương trong toàn quân. Nội dung của tạp chí cung cấp tư liệu, trao đổi thông tin, phổ biến kiến thức trên các lĩnh vực: Quán triệt, vận dụng nghị quyết của Đảng; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng Quân đội về chính trị; giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học; công tác đảng, công tác chính trị; phòng, chống “diễn biến hòa bình; văn hóa, văn nghệ ở đại đội. Từ khi ra đời, Tạp chí Khoa học Chính trị quân sự đã luôn coi trọng nhiệm vụ xây dựng và phát triển đội ngũ cộng tác viên, thông tin viên trên toàn quốc. Hằng năm, được sự quan tâm của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường, Ban Biên tập tổ chức các hội nghị cộng tác viên, thông tin viên, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác thông tin tuyên truyền trong tình hình mới.

Ngày nay, cùng với việc không ngừng nâng cao chất lượng phát hành Tạp chí, Website Trường Đại học Chính trị và Cổng thông tin điện tử  của Nhà trường đã được thiết lập. Sau khi đưa vào hoạt động, các tin, bài, ảnh đăng tải trên Website đã bám sát nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của Trường Đại học Chính trị, phản ánh sinh động, kịp thời hoạt động của các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị, phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập của cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ toàn Trường. Bên cạnh đó, nhiều thông tin về quá trình xây dựng, phát triển, trưởng thành cùng những hoạt động của Nhà trường được thông tin trên các phương tiện thông tin, tạp chí khác đã trực tiếp góp phần tuyên truyền, lan tỏa về truyền thống, kết quả hoạt động của Nhà trường đến với độc giả, qua đó lan tỏa, quảng bá hình ảnh, thương hiệu của Trường Đại học Chính trị đến với độc giả.

Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6/2024) là dịp để cán bộ, biên tập viên, cộng tác viên Website Đại học Chính trị, Cổng thông tin điện tử Nhà trường và Tạp chí Khoa học Chính trị quân sự không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm; nhìn lại những kết quả đã đạt được; trên cơ sở đó, phát huy những ưu điểm và khắc phục những hạn chế. Qua đó, đề ra giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động; động viên, khích lệ các cán bộ, nhân viên, cộng tác viên tích cực, sáng tạo, chủ động khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao./.

Đặng Ngọc Sơn - Lê Hoàng Hà

Nguồn: http://daihocchinhtri.edu.vn