Thuysy.jpg

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà

Trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Thụy Sĩ, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva, về nội dung và ý nghĩa của sự kiện này cũng như những đóng góp của đoàn Việt Nam tại hội nghị.

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai cho biết sau hơn nửa năm kể từ Hội nghị thường niên WEF ở Davos lần thứ 52 lần đầu tiên được tổ chức vào mùa Hè (tháng 5/2022) do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Hội nghị thường niên WEF lần thứ 53 đã quay trở lại với khung thời gian thường lệ là tháng 1 hằng năm.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, khủng hoảng, như khủng hoảng chi phí sinh hoạt, suy thoái kinh tế, chiến tranh kinh tế, khủng hoảng khí hậu, sự gián đoạn hành động ứng phó biến đổi khí hậu, khủng hoảng lương thực và sự gia tăng phân cực xã hội; đồng thời nhiều khủng hoảng đang làm sâu sắc thêm sự chia rẽ và chia cắt bối cảnh địa chính trị. Điều này đang đặt ra yêu cầu các nhà lãnh đạo phải giải quyết các nhu cầu quan trọng và tức thời của người dân, đồng thời phải đặt nền móng cho một thế giới bền vững, tự cường hơn vào cuối thập kỷ này.

Vào thời điểm then chốt của thế giới như vậy, Hội nghị thường niên WEF 2023 mang chủ đề “Hợp tác trong một thế giới phân mảnh", sẽ quy tụ hơn 2.700 nhà lãnh đạo từ các chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ trên thế giới. Mục tiêu của Hội nghị, theo lời của người sáng lập và Chủ tịch điều hành WEF, Giáo sư Klaus Schwab, là nhằm thảo luận các cách thức giải quyết sự phân mảnh và xói mòn lòng tin gia tăng ở cả cấp độ toàn cầu và cấp độ quốc gia thông qua tăng cường hợp tác giữa các chính phủ và doanh nghiệp, tạo điều kiện cho sự phục hồi mạnh mẽ và bền vững.

Chương trình của Hội nghị năm nay tập trung vào các giải pháp và hợp tác công tư để giải quyết những thách thức cấp bách nhất của thế giới, khuyến khích các nhà lãnh đạo trên thế giới hợp tác với nhau về các vấn đề liên quan đến năng lượng, khí hậu và tự nhiên; đầu tư, thương mại và cơ sở hạ tầng; công nghệ tiên tiến và khả năng phục hồi của ngành; việc làm, kỹ năng, các vấn đề xã hội và sức khỏe; cũng như hợp tác địa chính trị trong một thế giới đa cực.

Theo Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, trong bối cảnh chính trị và kinh tế thế giới có nhiều khủng hoảng và thách thức, Việt Nam nổi lên và được thế giới thừa nhận là một điểm sáng của khu vực và quốc tế, không chỉ với cam kết mạnh mẽ và triển khai nhất quán chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số nhằm hồi phục sau đại dịch và phát triển bền vững, mà còn đạt được những kết quả ấn tượng: tăng trưởng GDP đạt 8,02%, mức cao nhất trong 12 năm qua, quy mô nền kinh tế lần đầu tiên vượt 400 tỷ USD và xếp thứ 30 trên thế giới; quy mô thương mại đứng thứ 23 trên thế giới và trở thành đối tác thương mại lớn nhất trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) của 3 trung tâm kinh tế (Mỹ, Trung Quốc, EU). Tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Việt Nam được dự báo đạt 6,3%, dẫn đầu các nước Đông Nam Á.

Do đó, Hội nghị WEF 2023 là cơ hội để Việt Nam chia sẻ tầm nhìn với cộng đồng quốc tế về việc chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu đang nổi lên, những thực tiễn tốt về chính sách và kinh nghiệm của Việt Nam trong hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế-xã hội, cũng như thu hút đầu tư, nguồn lực, xúc tiến thương mại… với các tổ chức quốc tế, các tập đoàn, quỹ đầu tư quốc tế và tại Thụy Sĩ.

Tham dự Hội nghị WEF năm nay từ ngày 16-17/1, cũng là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên từ khi được bổ nhiệm, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà sẽ dự và phát biểu tại các phiên thảo luận tập trung vào an ninh lương thực, bao gồm Phiên thảo luận của Liên minh Hành động lương thực “Đầu tư củng cố tính tự cường", Phiên họp về “Kết nối lương thực-năng lượng-nguồn nước". Đây sẽ là bước đệm tốt để thu hút sự quan tâm và chú ý của cộng đồng quốc tế về an ninh lương thực trước khi Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững vào tháng 4/2023.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng sẽ đồng Chủ trì “Tọa đàm doanh nghiệp toàn cầu Việt Nam - WEF: Hành trình chuyển đổi xanh, sáng tạo", tập trung vào các chủ đề kinh tế xanh và đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, cũng trong khuôn khổ Hội nghị, Phó Thủ tướng sẽ có các cuộc tiếp xúc song phương với Người sáng lập và Chủ tịch điều hành WEF - Giáo sư Klaus Schwab, Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Achim Steiner, Tổng Giám đốc điều hành của Ngân hàng Thế giới Axel van Trotsenburg và một số nhà lãnh đạo khác.

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai cho biết từ khi Việt Nam và WEF thiết lập quan hệ năm 1989, hợp tác giữa Việt Nam và WEF được lãnh đạo hai bên quan tâm thúc đẩy, phát triển trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam đã tham dự Hội nghị thường niên WEF Davos ở cấp cao, trong đó 4 lần tham dự Hội nghị thường niên WEF Davos ở cấp Thủ tướng Chính phủ (2007, 2010, 2017, 2019); 4 lần tham dự Hội nghị WEF ASEAN (trước năm 2016 là WEF Đông Á) ở cấp Thủ tướng Chính phủ (2012, 2013, 2014 và 2017). Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị WEF ASEAN 2018 tại Hà Nội từ ngày 11-13/9/2018, Hội nghị WEF-Mekong lần đầu tiên ngày 25/10/2016 tại Hà Nội và Hội nghị WEF Đông Á từ 6-7/6/2010 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Sự tham dự của Đoàn Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thể hiện rõ nỗ lực của Việt Nam, một quốc gia đang phát triển đầy năng động, tích cực, là bạn, đối tác tin cậy và thành viên trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, tham gia giải quyết các thách thức toàn cầu./.