Nghỉ học ngắt quãng vì dịch Covid-19, đào tạo trực tuyến rất cần thiết
Vào thời điểm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (virus SARS-CoV-2, dịch bệnh Covid-19) bắt đầu bùng phát tại Việt Nam, việc quyết định cho sinh viên, học viên đi học hay nghỉ học là một vấn đề “đau đầu” đối với nhiều trường Đại học, Cao đẳng và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong cả nước.
Chia sẻ về những khó khăn của phương pháp giáo dục trực tuyến (E-learning) chuẩn bị được triển khai tại Trường, TS. Nguyễn Đức Toàn – Hiệu trưởng Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường cho biết: “Việc chuyển đổi số các chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng để phục vụ triển khai E-learning yêu cầu thời gian và tương đối phức tạp do phải đảm bảo thuận lợi nhất cho học viên có thể truy cập từ nhiều thiết bị khác nhau như máy tính, điện thoại Anroid, iOS. Trong khi đó, giao diện, tính năng của những thiết bị này được thiết kế riêng biệt và phải đảm bảo phù hợp với điều kiện cụ thể của Trường, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin của lớp học và học viên”.
Theo PGS. TS Hoàng Anh Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trong thời gian đầu triển khai đào tạo trực tuyến, Nhà trường không tránh khỏi một số thách thức
Đối với các Trường Đại học, đây là môi trường học tập của sinh viên nên việc giao lưu, tập trung đông người là khó tránh khỏi, bởi vậy khả năng lây dịch bệnh cũng rất cao. Trong khi đó, chương trình học để đảm bảo kiến thức cho sinh viên cũng là điều cần thiết không thể ngắt quãng trong thời gian nghỉ quá dài. Chính vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra công văn 795 về việc triển khai công tác đào tạo từ xa ứng phó với dịch Covid-19, theo đó, các trường Đại học, Cao đẳng tích cực thực hiện phương án phòng chống dịch và triển khai các phương thức đào tạo trực tuyến cho sinh viên.
Tuy nhiên, trước phương án đào tạo trực tuyến, nhiều trường đại học, cao đẳng vẫn còn nhiều mối lo ngại, băn khoăn về tính hiệu quả cũng như khả thi của hình thức dạy học mới này.
Đại học TN&MT Hà Nội là trường đầu tiên thuộc Bộ TN&MT bắt đầu triển khai hình thức đào tạo trực tuyến cho sinh viên. Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT, PGS. TS Hoàng Anh Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết: Lần đầu tiên triển khai đào tạo trực tuyến, nhà trường gặp một số thách thức như: chưa có quy trình và kinh nghiệm về đào tạo trực tuyến, học liệu điện tử còn hạn chế, khó khăn trong việc kiểm soát về chất lượng dạy học và kiểm tra đánh giá. Về phía người học, sinh viên còn hạn chế về thiết bị, hạ tầng internet (đặc biệt là sinh viên vùng khó khăn), thiếu kỹ năng để học trực tuyến (kỹ năng sử công nghệ; phương pháp học…). Ngoài ra, đào tạo trực tuyến còn đối mặt với nguy cơ không đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, nguy cơ tiềm ẩn từ internet và mạng xã hội...
Sau hơn một tháng chuẩn bị cho công tác dạy học trực tuyến, ngày 17/3, trường Đại học TN&MT Hà Nội đã bắt đầu ngày học đầu tiên và thu được những thành quả nhất định
Chia sẻ với phóng viên Báo TN&MT, ông Nguyễn Hoản – Thường trực Ban Truyền thông và Tư vấn tuyển sinh, Trường Đại học TN&MT Hà Nội cho biết: “Thời gian đầu nhà trường cũng cho sinh viên nghỉ theo kế hoạch dự trữ từ một đến hai tuần, nhưng do tình dịch bệnh kéo dài nên Lãnh đạo nhà trường nhận thấy nếu để các em nghỉ học quá dài sẽ ảnh hưởng đến việc gián đoạn học tập cũng như kiến thức, vì vậy việc triển khai ngay lập tức mô hình đào tạo trực tuyến của Nhà trường là hết sức kịp thời và bước đầu đạt được kết quả khả quan ”.
Ngoài ra ông Nguyễn Hoản cũng không phủ nhận những khó khăn ban đầu mà hình thức này đem lại. “Đây là hình thức đào tạo trực tuyến đầu tiên trường áp dụng, do đó sẽ có những khó khăn mà nhà trường chưa thể lường hết được. Đồng thời, giảng viên và sinh viên vẫn còn nhiều e ngại và băn khoăn vì hình thức này khá mớ mẻ với phần lớn giảng viên. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao của Lãnh đạo Nhà trường, chúng tôi đã triển khai và thực hiện tốt mô hình dạy học online hiện nay”, ông Nguyễn Hoản nói.
Đào tạo trực tuyến vẫn là một thách thức lớn
Qua một thời gian triển khai mô hình đào tạo trực tuyến tại trường Đại học TN&MT Hà Nội, hình thức dạy học trực tuyến đã trở lên quen thuộc đối với sinh viên cũng như giảng viên trong trường. Đây là phương thức giúp cho mọi người có thể “đứng yên khi Tổ Quốc cần” nhưng đồng thời cũng đảm bảo được điều kiện tiếp thu kiến thức của sinh viên.
Trước những cân nhắc kĩ lưỡng về mặt chuyên môn cũng như tính khả thi trong việc giảng dạy, ông Nguyễn Hoản bày tỏ quan điểm việc dạy học trực tuyến có một số điểm không thể bằng hình thức dạy học ngoại tuyến. Đặc biệt là đối với các môn học có tính thực hành cao, việc giảng viên trực tiếp giảng dạy trên lớp cũng như giải đáp những thắc mắc của sinh viên sẽ tốt hơn. Còn với việc dạy trực tuyến, các thầy cô sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tương tác sinh viên trong lúc giảng dạy. Ngoài ra, việc giao tiếp trực tiếp giữa người dạy và người học sẽ dễ dàng giúp người dạy có thể “truyền cảm hứng” cho người học hơn.
Là một trong những đơn vị đào tạo đầu tiên của Bộ thực hiện triển khai mô hình đào tạo trực tuyến, nên mặc dù là khá mới mẻ nhưng trước khi triển khai, Ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo các bộ phận chức năng nghiên cứu, ban hành quy chế và điều kiện đào tạo trực tuyến để làm hành lang pháp lý cho các bộ phận triển khai, với sự phối hợp đồng bộ từ khâu quản lý đào tạo, thanh tra giáo dục… thường xuyên tham gia vào quá trình lên lớp để đảm bảo chất lượng giảng dạy của Nhà trường.
TS. Nguyễn Đức Toàn – Hiệu trưởng Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường
Chia sẻ với phóng viên, bà Trần Thị Thanh Huyền – Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Đào tạo thuộc Phân hiệu Đại học TN&MT Hà Nội tại Thanh Hoá cho biết, trong quá trình chuẩn bị kế hoạch triển khai đào tạo trực tuyến, phân hiệu còn e ngại, lo lắng về hệ thống mạng internet do có một số sinh viên thuộc trường hợp ở vùng sâu vùng xa có đường truyền mạng không được tốt. Bên cạnh đó, vì đào tạo trực tuyến là hình thức mới nên nhiều sinh viên vẫn còn những băn khoăn chưa hiểu về phương thức hoạt động của hình thức này.
Đánh giá về phương pháp học trực tuyến trong thời gian qua, bạn Hoàng Thị Huyền Linh – sinh viên lớp D7HQTDLL2, trường Đại học TN&MT Hà Nội chia sẻ: “Em thấy việc học trực tuyến giúp em tập trung hơn và thầy cô rất nhiệt tình chỉ dạy cho chúng em. Tuy nhiên, so với việc học ngoại tuyến, em thích học ngoại tuyến hơn bởi việc tương tác khi học trực tuyến kém hơn, em cũng không được học tập và thảo luận cùng các bạn nhiều như trước”.
Bày tỏ hào hứng về phương pháp học trực tuyến, em Trần Thị Nguyệt học lớp DH9QM2, trường Đại học TN&MT Hà Nội cho biết: “Em thấy học trực tuyến vui lắm vì nghỉ học cũng lâu rồi, nên được đi học lại là niềm vui của nhiều sinh viên. Nhưng với em, việc học theo phương pháp mới này còn gặp khó khăn vì em ở quê nên có lúc bị mất điện hoặc mạng internet không ổn định, vì thế có thể bỏ lỡ kiến thức”.
Thiết nghĩ, là một giải pháp tối ưu trong thời dịch Covid-19, hình thức đào tạo trực tuyến giúp đảm bảo được lượng kiến thức cho sinh viên. Tuy nhiên, trong thời gian tới, phương pháp dạy học trực tuyến sẽ còn là một thử thách lớn đối với ngành giáo dục. Trong bối cảnh đó, người dạy và người học cần phải thích ứng hơn, đồng thời cần nhiều biện pháp khắc phục những khó khăn, cũng như nâng cao kỹ năng dạy và học của giảng viên và sinh viên trong việc dạy học trực tuyến.
Bình luận của bài viết đã bị khóa