HTQTthang2.jpg

Lãnh đạo Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường làm việc trực tuyến với các đối tác

Tại buổi làm việc, TS. Nguyễn Đức Toàn - Hiệu trưởng Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường đánh giá cao vai trò và sự đóng góp, hỗ trợ có ý nghĩa lớn của các đối tác Nhật Bản đối với ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT) nói chung và công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực TN&MT nói riêng. Với vai trò là đơn vị duy nhất trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường có chức năng đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức và phục vụ trực tiếp công tác QLNN ngành TN&MT, trong thời gian qua Trường đã luôn tích cực, chủ động tìm kiếm, mở rộng hợp tác với các cơ quan, tổ chức của Nhật Bản với những kết quả đáng ghi nhận, cụ thể như việc hợp tác với Dự án ứng phó với Biến đổi khí hậu của Bộ Môi trường Nhật Bản (MOEJ) để xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức khóa Đào tạo Giảng viên nguồn (Training of Trainers - TOT) về biến đổi khí hậu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

TS. Nguyễn Bình Minh - Trưởng phòng Khoa học, công nghệ và Hợp tác quốc tế đã giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ, đội ngũ giảng viên/báo cáo viên, học viên của nhà trường, nội dung và phương pháp của các khóa học, công tác tổ chức thực hiện và các hoạt động khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế… của Trường. Để cụ thể hơn, TS. Đinh Thái Hưng - Phó Hiệu trưởng đã trao đổi chi tiết về kết quả hoạt động của Trường, định hướng phát triển với vai trò là đơn vị đào tạo, bồi dưỡng duy nhất của Bộ và công tác tăng cường năng lực liên quan tới nội dung được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong những năm gần đây, bao gồm: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT của Bộ TN&MT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường...

Đáp lại sự chuẩn bị chu đáo và những thông tin hữu ích được nhà trường cung cấp, GS. Kazuma Mawatari, Trường Đại học Tổng hợp Tokyo (UT) và GS. Nguyễn Văn Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU) đã giới thiệu những nét cơ bản về mối quan hệ, hợp tác hiện nay giữa VNU và UT cùng với sự tham gia của Hiệp hội Chế tạo thiết bị phân tích Nhật Bản (JAIMA), đồng thời nêu lên mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa các bên trong việc xây dựng ý tưởng đề xuất Dự án để đăng ký với Chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ vì sự phát triển bền vững (SATREPS) của Chính phủ Nhật Bản và phối hợp thực hiện Dự án sau khi được phê duyệt.

Thông qua việc tìm hiểu về chức năng, nhiệm vụ của Trường, các đối tác đều nhận thấy tiềm năng hợp tác rất lớn trong các vấn đề cùng quan tâm và đề xuất sẽ tiếp tục tích cực trao đổi để dự thảo các nội dung của Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU), trình xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền để chính thức ký kết trong khuôn khổ chuyến công tác và phối hợp tổ chức Hội thảo chuẩn bị đề xuất Dự án của các đối tác Nhật Bản, dự kiến vào tháng 5/2022.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, TS. Nguyễn Đức Toàn đã khẳng định, nhà trường có đầy đủ các yếu tố để thực hiện Dự án, đảm bảo các giá trị cốt lõi về Chất lượng - Hiệu quả - Chuyên nghiệp - Hội nhập. Trường sẵn sàng phối hợp với UT - VNU - JAIMA để xây dựng đề xuất và triển khai Dự án tốt nhất, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiến độ đề ra./.