Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã nêu những nội dung đề xuất P4G thúc đẩy 06 ưu tiên hợp tác đối tác khi Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh P4G 2025, cụ thể là: đảm bảo an ninh lương thực gắn với xóa đói, giảm nghèo; quản lý, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên nước xuyên biên giới; xây dựng và vận hành hệ thống cảnh báo sớm, giám sát các hoạt động của biến khí hậu; thúc đẩy tài chính Netzero và chuyển đổi năng lượng công bằng; phát triển nông nghiệp thông minh các-bon thấp; phát triển kinh tế tuần hoàn nhựa, góp phần thực thi Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.
Phát biểu tại phiên bế mạc, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, Hội nghị năm nay diễn ra rất đúng thời điểm khi thế giới đi được nửa đường thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030 và khi cuộc khủng hoảng kép do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và mất đa dạng sinh học đang đặt ra nhiều thách thức cho việc hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững trong nửa đường còn lại.
Bộ trưởng cũng nhiệt liệt chúc mừng Chính phủ Colombia, thành phố Bogota đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh P4G 2023, đồng thời đánh giá cao các thảo luận rất sâu sắc, tâm huyết của các đại biểu về đa dạng sinh học, chuyển đổi năng lượng và các thành phố phát triển bền vững. Bộ trưởng cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng kết quả của Hội nghị sẽ thúc đẩy các giải pháp sáng tạo về khí hậu và nâng cao nhận thức của các nhà lãnh đạo, khối doanh nghiệp đối với các lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi của P4G là thực phẩm, nước và năng lượng.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh chụp ảnh lưu niệm với các lãnh đạo tại Hội Nghị P4G
Kể từ lần đầu tiên được tổ chức tại thành phố Copenhagen, Đan Mạch, năm 2018, Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu trở thành nền tảng quan trọng cho các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách của các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trên thế giới cùng nhau tìm giải pháp cho bài toán chuyển đổi, tăng trưởng xanh hướng tới một xã hội công bằng, một nền kinh tế không phát thải carbon, và có sức chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu.
Việt Nam là một quốc gia tham gia sáng lập P4G và các thành viên của Diễn đàn tăng trưởng xanh toàn cầu (3GF), tiền thân của Diễn đàn P4G, vì vậy, trong những năm qua, Việt Nam luôn tham gia tích cực và trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với các thành viên thúc đẩy các nghị sự, tầm nhìn và sứ mệnh của Diễn đàn như một diễn đàn tăng trưởng xanh công - tư duy nhất trên toàn cầu với mục tiêu hiện thực hóa các mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững, chuyển đổi xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh chụp ảnh lưu niệm với các lãnh đạo tại Hội Nghị P4G
Với mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa cho Diễn đàn, Việt Nam đã đề xuất đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh P4G năm 2025 và đã nhận được sự ủng hộ của các quốc gia tham gia P4G. Nhân dịp này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đã trân trọng cảm ơn Colombia và các nước đối tác P4G đã tin tưởng và tạo cơ hội để Việt Nam thể hiện trách nhiệm và đóng góp cao hơn cho Diễn đàn, đồng thời nêu rõ Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực cao nhất để đảm nhận thành công trọng trách này, tiếp nối thành công các Hội nghị thượng đỉnh 2017 tại Đan Mạch, 2021 tại Hàn Quốc và 2023 tại Colombia. Đồng thời, mong muốn Colombia và các nước đối tác chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuẩn bị để đảm nhiệm vai trò chủ tịch.
Bộ trưởng nhấn mạnh, từ kinh nghiệm trong triển khai thực hiện các hoạt động đối tác vì tăng trưởng xanh và các mục tiêu toàn cầu kể từ năm 2011 đến nay cùng với quyết tâm cao như đã thống nhất tại Bogota, các nước và các tổ chức đối tác sẽ tạo dựng được quan hệ đối tác thực chất, hiệu quả, huy động được sự tham gia đầy đủ của các bên, đặc biệt là khối doanh nghiệp, qua đó đóng góp cho tương lai bền vững, ấm no cho nhân loại.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng thông báo với Hội nghị những nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, thực hiện mục tiêu phát thải bằng “0” vào năm 2050 với phương châm là quá trình chuyển đổi xanh cần được thực hiện một cách cân bằng, công bằng, hài hòa, hợp lý, đặt người dân làm trọng tâm, đóng góp cho một thế giới tương lai hòa bình, bền vững, thịnh vượng; trọng tâm của quá trình là hoàn thiện khung pháp lý cho trưởng xanh, chuyển đổi số; đẩy nhanh chuyển đổi năng lượng.
Với tinh thần quyết liệt, hành động, ngay sau COP26, Việt Nam đã ban hành các kế hoạch để nhanh chóng thực hiện cam kết, quyết tâm với lộ trình cụ thể, bao gồm: Kế hoạch triển khai thực hiện các cam kết; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh; Kế hoạch hành động giảm phát khí mê-tan; Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan ngành giao thông vận tải; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; Kế hoạch quốc gia quốc gia triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất.
Việt Nam trở thành một trong ba quốc gia đang phát triển đầu tiên trên thế giới đã tham gia Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) cùng với Nhóm các đối tác quốc tế với những mục tiêu rất tham vọng về giảm phát khí thải nhà kính, phát triển năng lượng tái tạo để thay thế nhiệt điện than, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cũng tại phiên bế mạc, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đã có cuộc tiếp xúc song phương với Bộ trưởng Ngoại giao Colombia Alvaro Leyva. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh trân trọng chuyển Thư cảm ơn của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính gửi Tổng thống Colombia Gustavo Petro Urrego.
Theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh thay mặt Chính phủ Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) với chủ đề “Đối tác chuyển đổi vì sự bền vững”.
Tham gia Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị có đại diện của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam.
Trong thời gian tham dự Hội nghị, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, Trưởng đoàn Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ song phương với Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Viện Tài nguyên thế giới, Giám đốc điều hành P4G; Thứ trưởng, Đại sứ Biến đổi khí hậu Hàn Quốc; Thứ trưởng phụ trách chính sách phát triển Đan Mạch.
Các thành viên của Đoàn công tác bao gồm đại diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường Nguyễn Đình Thọ tham gia phát biểu tại phiên chuyên đề thành phố bền vững; Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường tham gia thảo luận, chia sẻ về lộ trình thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0”, chuyển đổi năng lượng công bằng và phát triển thị trường các-bon ở Việt Nam .
Những chia sẻ của Đoàn Việt Nam được Giám đốc điều hành P4G đánh giá cao, cho thấy cam kết của Việt Nam tham gia P4G thực chất hiệu quả và quyết tâm của Việt Nam trong việc tổ chức thành Hội nghị thượng đỉnh P4G 2025./.
Thành lập Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường
Ngày 07/7/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký ban hành Quyết định số 815/QĐ-TTg thành lập Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường
Theo Quyết định số 815/QĐ-TTg, Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường trên cơ sở tổ chức lại Viện Khoa học môi trường trực thuộc Tổng cục Môi trường và Viện Nghiên cứu biển và hải đảo trực thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo có chức năng nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, phát triển công nghệ về môi trường, biển và hải đảo phục vụ quản lý nhà nước về môi trường, biển và hải đảo; thực hiện các dịch vụ khoa học và công nghệ về môi trường, biển và hải đảo theo quy định của pháp luật.
Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; trụ sở tại thành phố Hà Nội.
Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo.
Lịch sử hình thành và phát triển của Viện Khoa học môi trường
Ngày 25 tháng 3 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 25/2014/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Môi trường trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Ngày 25 tháng 11 năm 2014, Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường đã ký Quyết định số 1506/QĐ-TCMT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Khoa học môi trường.
Giai đoạn này Viện Khoa học môi trường triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao với cơ cấu tổ chức bao gồm 05 phòng: Văn phòng; Phòng Khoa học và Công nghệ môi trường; Phòng Kinh tế môi trường; Phòng Quản lý môi trường và Phát triển bền vững; Phòng Thông tin, Tư vấn và Đào tạo.
Ngày 12 tháng 3 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 15/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Môi trường trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Căn cứ Quyết định trên, ngày 26 tháng 4 năm 2018 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký Quyết định số 1319/QĐ-BTNMT quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Khoa học môi trường trực thuộc Tổng cục Môi trường.
Theo đó, Viện Khoa học môi trường tổ chức sự nghiệp khoa học trực thuộc Tổng cục Môi trường, có chức năng nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; cung cấp dịch vụ tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng và thông tin, thư viện về khoa học môi trường.
Lịch sử hình thành và phát triển của Viện Nghiên cứu biển và hải đảo
Ngày 27 tháng 8 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 116/2008/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo đó, Viện Nghiên cứu quản lý biển và hải đảo là một trong 5 đơn vị là tổ chức sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
Ngày 01 tháng 8 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 43/2014/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo Quyết định này, Viện Nghiên cứu quản lý biển và hải đảo được đổi tên thành Viện Nghiên cứu biển và hải đảo.
Ngày 23 tháng 01 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 06/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Căn cứ Quyết định trên, ngày 09 tháng 3 năm 2018 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký Quyết định số 785/QĐ-BTNMT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu biển và hải đảo trực thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
Theo đó, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo là tổ chức khoa học và công nghệ công lập trực thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (nay là Cục Biển và Hải đảo Việt Nam), có chức năng nghiên cứu, đề xuất, xây dựng chiến lược, cơ chế, chính sách về biển và hải đảo; nghiên cứu khoa học, đào tạo, hợp tác quốc tế, cung cấp dịch vụ, tư vấn về khoa học, công nghệ biển, quản lý biển, hải đảo theo quy định của pháp luật.
Việc thành lập Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo trực thuộc Bộ trên cơ sở tổ chức lại Viện Khoa học môi trường trực thuộc Tổng cục Môi trường và Viện Nghiên cứu biển và hải đảo trực thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam nhằm kiện toàn cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đáp ứng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; Tăng cường kết nối công tác nghiên cứu khoa học, phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong các lĩnh vực môi trường, biển và hải đảo; Sắp xếp lại các tổ chức KH&CN công lập trực thuộc Bộ đồng bộ, tinh gọn, phát huy hiệu quả cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn hiện nay; Xây dựng một tổ chức KH&CN chủ lực có quy mô lớn, tầm nhìn dài hạn để có thể thực hiện nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ về môi trường, biển và hải đảo đáp ứng các tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế./.